LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ MỘT THÓI QUEN?

*Mình đã chạy, chạy nữa, chạy nữa (hem phải chạy mãi) như thế nào?*

Mình viết bài này vào tuần thứ 18 kể từ ngày quyết tâm tập thể dục đều đặn (3 buổi/tuần). Thật ra đây là khoảng thời gian không ngắn, không dài; nghĩa là không còn quá khó khăn để mình duy trì nó như thời gian ban đầu, nhưng vẫn chưa đủ dài để nếu không tập thì mình cảm thấy bứt rứt, không chịu được. Nhưng dù sao cũng là kỷ lục bản thân, khi lần đầu tiên mình có thể tập một môn đều đặn và liên tục được đến vậy. Hehe.

Mình không viết bài này để kêu gọi bản thân chạy, chạy nữa, chạy mãi; càng không kêu gọi mọi người hãy xỏ giày vào và đi chạy đi. Bởi vì mỗi người đều có một mục tiêu và niềm yêu thích của riêng mình, và ngay cả với bản thân mình, thì mình cũng không chắc và không đặt mục tiêu sẽ chạy mãi, mà chỉ đơn giản là bắt đầu chạy, chạy nữa, và chạy nữa (tới khi nào nó không còn thích hợp nữa). Nhưng mình nghĩ đây là cách để nhìn lại, không chỉ cho chạy bộ, mà còn cho những việc muốn làm khác. Và nhìn lại, cũng là cách để hiểu chính mình hơn.

Năm 2019 bắt đầu, resolutions đặt ra cũng không có gì mới mẻ mà chỉ đơn giản là làm tiếp những mục tiêu cũ đặt ra nhưng chưa làm được. Nhưng lần này khác ở chỗ là chỉ một lúc một việc, một tháng một thử thách mà thôi.

Vậy là mình bắt đầu tháng 1 với thử thách đầu tiên là tập thể dục đều đặn.

#JanChallenge: Do exercise regularly

Mình đã bắt đầu nó như thế nào? 

1. Start with why

Q: Điều gì làm mình quyết định tập thể dục đều đặn trong năm nay?

A: Vì mình muốn dành thời gian chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc bản thân, và tập thể dục đều đặn là một trong số đó.

Q: Vậy tập thể dục đều đặn ở đây cụ thể là?

A: Là đi bộ/chạy bộ (hoặc một môn nào đó) ít nhất 3 buổi/tuần.

Q: Hiện tại tình hình tập thể dục của mình như thế nào?

A: Mình có tập, nhưng bữa tập bữa nghỉ, và không duy trì thường xuyên.

Q: Vậy thì điều gì cản trở mình cho việc tập thể dục đều đặn (3 buổi/tuần) ở thời điểm hiện tại?

A: Có lúc đi làm về thì lười, buổi sáng thì có ngày lười không dậy sớm, lúc thì bận, giống như chưa quá bắt buộc để làm liền, làm cũng được, mà chưa làm liền cũng hem sao, vì chưa làm liền cũng chẳng chết liền.

Q: Mình thấy được các yếu tố cản trở mình cho việc tập thể dục đều đặn, lúc thì lười, lúc thì bận, làm cũng được, mà hem làm gì cũng chưa chết liền được, vậy thì việc tập thể dục đều đặn có ý nghĩa như thế nào với mình?

A: Mình muốn điều gì đó khác đi trong năm nay, kỷ luật bản thân hơn, tử tế với bản thân hơn, và yêu thương cơ thể mình nhiều hơn. Vì cơ thể mình cũng giúp mình làm nhiều điều, giúp mình sống, giúp mình trải nghiệm, mà nó tốt với mình như vậy, thì mình cũng muốn tử tế lại với nó.

Q: Nói đến đây, mình cảm thấy việc tập thể dục như thế nào?

A: Mình cảm thấy vẫn còn thử thách, nhưng quyết tâm hơn, sẵn sàng hơn, và nhìn rõ được lý do mình muốn bắt đầu hơn.

Việc đi sâu vào WHY bằng cách nhìn vào và lắng nghe bên trong mình sẽ giúp mình hiểu rõ chính mình, tại sao mình muốn bắt đầu, và khi khó khăn cản trở mình, thì cũng giúp mình dễ dàng quay lại con đường muốn đi hơn. 

Bởi vì nếu bạn làm điều gì đó chỉ đơn giản vì bạn nghĩ là điều nên làm, hoặc vì ai đó nói là hãy làm đi, nó tốt lắm, mà không thật sự kết nối và hướng vào bên trong mình, thì sẽ rất khó để đi lâu dài. (Lười biếng cũng là một trong những bản chất của con người mà ahihi).

2. Chia nhỏ mục tiêu

 Sau khi tìm được lý do bắt đầu, mình chia thử thách tháng 1 thành những mục tiêu nhỏ hơn, cụ thể ở đây là chia mục tiêu theo tuần.

 2 tuần đầu tháng 1, mình quyết tâm dữ lắm. Thật ra lý do chính là vì giữa tháng đó mình có đăng ký đi chạy 42K giải HCMC Marathon mà chưa tập luyện gì nhiều, nước lúc đó không phải tới chân, tới đuýt mới nhảy nữa, mà chắc tới lỗ mũi luôn rồi.

Mình hoàn thành 42K đầu tiên trong đời, thuộc top cuối, với rất nhiều bài học và trải nghiệm, và một trong số đó là mình tự thấy mình là kiểu không muốn sống chết để có được một thứ chỉ vì mình không chuẩn bị tốt, điều đó sẽ rất dễ chấn thương và không tận hưởng trọn vẹn hành trình. Vậy là sau khi đi chạy 42K xong, mình vẫn tiếp tục tập nhẹ để recover lại, duy trì 3 buổi/tuần.

 Việc tracking theo tuần, ít nhất làm mình cảm thấy mục tiêu dễ thở hơn và khả thi hơn. Xong buổi nào, tuần nào thì ghi nhận mình buổi đó. Và cứ từng chút, từng chút một đó, mình cứ chạy, chạy, và chạy, không chạy nhanh thì chạy chậm, không chạy thì đi bộ, nhưng vẫn cố gắng duy trì đều đặn.

 Đến sau này, mình phát hiện ra mình cảm thấy thích với việc nhìn những cố gắng của mình được tích luỹ, dù là ít hay nhiều, giống như kiểu mình đang ở level mấy trong chơi game vậy. Ít nhất như vậy, mình thấy những cố gắng của mình dù đã như mục tiêu hay chưa thì vẫn có giá trị, và có thêm động lực để gần mục tiêu hơn. Vậy là mình kiếm những app tracking để theo dõi (Strides, Productive, Habit List, ect), thấy mọi thứ thú vị hơn một chút.

“Little by little, a little becomes a lot.”

 Tuần thứ 8 được counted.

3. Hãy tìm cho mình một bộ lạc

 Người ta nói rằng, muốn đi nhanh hãy đi một mình, còn muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Và việc tập thể dục với mình cũng không ngoại lệ.

 Thật ra, khi nhìn lại những tuần đầu, một trong những điều giúp mình thực hiện thử thách dễ dàng hơn chính là một #bộlạc. Bộ lạc ở đây với mình là những người cùng tập, cùng chung mục tiêu, hoặc cùng chung giá trị (mà ko nhất thiết phải gặp mặt thường xuyên và không nhất thiết phải biết mặt). Bạn có thể tìm một club về chạy bộ rồi sinh hoạt chung hoặc rủ một vài người bạn tập cùng.

 Với mình thì mình chọn cách là chạy một mình là nhiều, bởi vì lịch mỗi người mỗi khác nên rất khó để rủ ai cùng sở thích và cùng thời gian để đi tập chung nhiều, và mình cũng không thích gặp nhiều người lạ. Vây là mình chỉ join những group trên Facebook, Strava (app dành cho chạy bộ/bơi/đạp xe), quen cũng được, không quen cũng được, nhưng mình biết ở đâu đó, có những người vẫn đang cố gắng, rồi lại có thêm động lực để tập tành. Lâu lâu rảnh thì rủ bạn bè đi chạy chung (nếu cùng lịch). Với mình như vậy là đủ. Hehe.

 Ngoài ra, đăng ký các cuộc thi chạy online cũng là cách để mình có thêm động lực tập tành và làm hành trình trở nên thú vị hơn.

4. Nhìn lại, nhìn lại, và nhìn lại

 Bắt đầu tuần thứ 9, mình tự dưng không còn động lực chạy như những tuần trước nữa.

 Thật ra, không phải lúc nào cũng dễ dàng có được hứng khởi rồi chỉ việc xỏ giày vào và chỉ việc chạy, chạy, và chạy. Hôm thì bụng kêu, bữa thì đầu gối lên tiếng, hoặc có ngày đơn giản là không có mood để chạy, dù mình biết ngày chạy cho Đà Lạt Ultra Trail 21K cũng sắp tới, nhưng mình ko có quá nhiều động lực tập tành gì nhiều, chủ yếu là đi chạy để duy trì thói quen và commitment với bản thân. Một phần là sau khi chạy dài vào 3 tuần trước đó mình bị đau đầu gối và không chạy dài được, một phần là vì mình chuyển lịch chạy từ tối sang sáng sớm, mà cơ thể chưa quen nên ko muốn chạy nhiều.

 Nhưng nhìn lại là một trong những cách để mình hiểu mình hơn, hiểu được tại sao mình có những cảm xúc như vậy, lắng nghe mình rõ hơn, và có những điều chỉnh hợp lý. Nó cũng giúp mình có được những success factors để áp dụng cho những cái khác nữa.

 Àh, nhìn lại và đừng quên ghi nhận bản thân mình. Không nhất thiết phải đi tới đích mới là thành công, mỗi bước đi, mỗi sự cố gắng dù nhỏ đến đâu cũng đáng được ghi nhận. Bởi vì mỗi trải nghiệm và nhìn lại, là một bước để mình trưởng thành hơn và tiến gần hơn tới đích 

5. Hãy tìm cho mình một người Coach

 Người Coach ở đây là người đồng hành cùng bạn trên con đường tiến đến mục tiêu của mình, ko nhất thiết chỉ là chạy bộ.

 Mình tin rằng, mỗi người chúng ta đều hiểu rõ đâu là câu trả lời đúng nhất cho các vấn đề của chính mình. Và mỗi người đều có những LỰA CHỌN cho cuộc đời mình.

Coaching sẽ là quá trình mà người Coach sẽ cùng đồng hành với bạn trên con đường hướng đến mục tiêu, giúp bạn hướng vào bên trong để hiểu và xác định rõ những điều mình mong muốn đạt được, lắng nghe một cách chân thành không phán xét, và cũng có thể đưa ra những góc nhìn mà bạn chưa thấy trước đó,…để từ đó bạn thấy rõ được các góc nhìn và sự lựa chọn cho chính mình trên con đường hướng đến mục tiêu.
Đối với một thói quen hay một mục tiêu chạy bộ cũng vậy, việc self-coach hoặc ask for help từ một người Coach giúp mình đi đến mục tiêu mong muốn nhanh hơn, hiểu rõ chính mình, và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình hơn.

Advertisement

Published by Oanh Nguyen

Be kind. Be happy. Be present.

2 thoughts on “LÀM THẾ NÀO ĐỂ DUY TRÌ MỘT THÓI QUEN?

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: