Nếu có bảo bối “Cây bút giới hạn ngôn từ” của Doraemon, bạn sẽ dùng nó như thế nào?

Nhớ có lần, mình ngồi xem hoạt hình Doraemon tập về bảo bối “Cây bút giới hạn ngôn từ”. Tập film bắt đầu bằng hình ảnh Shizuka (Xuka) buồn rầu vì bị cô giáo dạy nhạc la rầy bằng những câu không mấy khích lệ. Nobita thấy vậy bèn kể lại Doraemon, cả hai lo sợ những lời nói có thể ảnh hưởng rất lớn đến một người. Và thế là Doraemon đã giới thiệu cho Nobita dùng bảo bối “Cây bút giới hạn ngôn từ” để giúp Shizuka. 

Bảo bối này có công dụng là mỗi khi dùng bút tô lên từ nào đó thì từ đó sẽ trở thành từ cấm và nếu bất kì ai đó nói ra từ cấm đó sẽ bị sét đánh giật người. Nobita bắt đầu tô lên những từ để cô giáo dạy nhạc không la rầy Shizuka nữa, vì cậu nghĩ vậy sẽ giúp Shizuka hết buồn, và tiếp tục tô những từ mà mình không muốn nghe mọi người nói về mình, như là “hậu đậu”, “vụng về”,….Cậu dần đi quá đà bằng cách tô rất nhiều từ trong từ điển, vì nghĩ đang giúp đỡ một số người và chính cậu. Nhưng rồi một ngày, cậu nhận ra rằng điều đó cũng không giúp ích như cậu vẫn tưởng, Shizuka vẫn cảm thấy buồn rầu vì cô giáo dạy nhạc không còn dám đưa phản hồi giúp cô tiến bộ, những người bạn của Nobita như Giant (Chai-en) hay Suneo (Xeko) không thèm chơi với cậu nữa, vì sợ nói ra những từ không hay sẽ bị trừng phạt. Và cậu nhận ra, không chỉ là lời nói quan trọng, mà còn là cách nói và cảm xúc khi nói từ ngữ đó nữa. Thế là, Nobita quyết định trả lại bảo bối cho Doraemon và cùng nhau lấy gôm xóa những từ cậu đã dùng cây bút giới hạn ngôn từ tô màu rất nhiều từ trong cuốn sổ.

Ngôn từ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Và không chỉ là từ ngữ được nói ra, mà còn là cách dùng và cảm xúc của mình khi dùng từ đó, nó có thể làm thay đổi và ảnh hưởng những người nghe được nó, kể cả từ mình tự nói với chính mình. 

Ở cuộc sống hàng ngày, chúng ta không có bảo bối như Doraemon, khi nói một số từ sẽ bị giật bắn người. Nhưng tự nhiên mình nghĩ tới một trải nghiệm khác, là nếu mình thử thách bản thân không nói hay nghĩ 1 từ nào đó trong vòng 1-2 tuần sắp tới, thì từ đó sẽ là gì? Và cuộc sống của mình sẽ khác đi như thế nào? 

Từ đầu tiên nảy lên trong đầu mình là từ PHẢI. PHẢI trong từ phải làm một điều gì đó, bắt buộc làm điều gì đó. 

Sở dĩ mình chọn từ này bởi vì mình nhận ra mình thích sự tận hưởng, thích làm chứ không phải bắt buộc phải làm gì, và khi có được niềm vui thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng và tận hưởng hành trình hơn, cũng như sẽ tìm cách để làm điều cần làm một cách thú vị hơn.

Và thay vào đó, mình nghĩ một số từ khác thay thế, như là “ĐƯỢC”, “THÍCH”, “TẬN HƯỞNG”, “CÓ CƠ HỘI” hoặc ít nhất, là bỏ từ “PHẢI” ra khỏi câu, xem như thế nào.

Ví dụ: Hôm nay mình phải đi chạy bộ => Hôm nay mình đi chạy bộ, mình thích đi chạy bộ, mình được đi chạy bộ, mình tận hưởng việc chạy bộ,…

Mình phải dậy sớm đi làm => mình dậy sớm đi làm, mình được dậy sớm đi làm, mình thích dậy sớm,….

Mình phải chạy deadline cho dự án => Mình có cơ hội được làm dự án và hoàn thành đúng tiến độ. 

Nghe nó có giả tạo quá không?

Đang ngủ sướng ơi là sướng mà được dậy sớm đi làm? Đang chạy mệt ơi là mệt mà mình được chạy bộ? Đi chạy dự án deadline tùm lum, sếp dí đủ chuyện mà có cơ hội được làm dự án? 

Hôm rồi trong lúc đang chạy bộ, được vài km thì cơ thể mình bắt đầu mệt và muốn dừng lại, mình đã nghe một giọng nói trong đầu vang lên: “còn phải chạy 2km nữa”. Rồi mình chợt nhận ra, ôi sao nghe nó nặng nề quá, nếu mà mình thử nghĩ hay nói: “mình được chạy 2km nữa” hay đơn giản là “mình chạy 2km nữa” thì nghe nó nhẹ nhàng hơn nhiều. Và mình nhận ra, khi mình nghĩ và nói “còn phải chạy”, cơ thể mình sẽ tập trung nhiều vào sự mệt mỏi và lý do để dừng bước nhiều hơn là sự tận hưởng hành trình và lắng nghe cơ thể, cũng như là lý do để tiếp tục. 

Ngôn từ mình nói ra không phải là tất cả, nhưng nó là một trong những biểu hiện bên ngoài của những gì mình nghĩ, những giá trị, niềm tin mình đang có, hay góc nhìn mình đang nhìn sự vật, sự việc đó, cũng như những cảm xúc mình cảm nhận. 

Và ở đây không chỉ đơn giản là thay đổi từ mình hay sử dụng, mà còn là quan sát kỹ hơn những điều thuộc về bên trong tạo nên những suy nghĩ và lời nói đó, để từ đó hiểu và thay đổi nếu cần, để mình cảm thấy tốt hơn. 

Có thể bạn sẽ không có bảo bối giật bắn người như trong truyện Doraemon khi bạn nói ra một điều gì đó, nhưng bạn luôn có một bảo bối khác, cũng đầy quyền năng, đó là sự LỰA CHỌN. 

  • Lựa chọn làm một việc gì đó hay không? 
  • Lựa chọn làm việc đó với thái độ như thế nào? 

Nếu vẫn cảm thấy toàn là khó khăn, toàn thấy cái mất, cái “bị làm” hơn là cái “được làm”, thì thử hỏi bản thân: 

  • Điều gì đã khiến mình lựa chọn và bắt đầu làm nó? 
  • Mình muốn sự việc đó trông như thế nào? 
  • Góc nhìn nào mình đang có với việc đó để mình suy nghĩ “phải” làm? 
  • Những góc nhìn nào khác sẽ hữu ích hơn trong tình huống này? 
  • Mình trải nghiệm những cảm xúc gì khi làm việc đó? 
  • Nhìn thấy rõ những điều đó rồi mình sẽ lựa chọn như thế nào?
  • ….

Tất nhiên mình không thể nào cấm vĩnh viễn một từ nào đó ra khỏi từ điển của mình, nhưng nếu có một trải nghiệm trong vòng một vài tuần để quan sát rõ hơn về bản thân và cách nhìn, cách nghĩ, cảm xúc của mình với sự việc, sự vật xảy ra xung quanh hàng ngày cũng là một điều khá thú vị. 

Còn bạn, nếu có 1 từ bạn chọn sẽ không dùng nó, có thể cho chính bạn, hoặc người xung quanh, trong vài tuần tới, thì đó sẽ là từ gì? 

Advertisement

Published by Oanh Nguyen

Be kind. Be happy. Be present.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: