Vũ trụ bao la, đâu cũng là nhà.

Tôi thích nhìn lên bầu trời và mê ngắm sao từ thời còn nhỏ xíu. Tôi vẫn nhớ có những ngày mùa hè những năm cấp 2, mấy đứa trẻ trong xóm thường rủ nhau dậy từ lúc 4 rưỡi sáng để đi tắm biển sớm, rồi sau đó về sẽ đánh một giấc tới trưa. Nhưng cũng nhờ những ngày dậy sớm như vậy, khi màn đêm vẫn còn bao trùm lên cả khu xóm, đầy tĩnh mịch, và những nguồn ánh sáng nhân tạo được tắt hẳn đi, tôi có dịp được thấy rõ cả một bầu trời đầy sao ngay bên trên mình. Đó là cảm xúc hạnh phúc, bình an, xen lẫn rung rinh trước vũ trụ mà tôi hay cảm nhận được. Hồi đó mê ngắm sao tới nỗi tôi từng ước mình lớn lên sẽ làm phi hành gia hay nhà thiên văn gì đó, giống như Galileo Galilei, vì đơn giản tôi sẽ được nhìn ngắm vũ trụ nhiều hơn và rõ hơn, ít nhất là có thể nhìn qua kính thiên văn. Sau này lớn lên, tôi thỉnh thoảng có lại được cảm xúc trước bầu trời đầy sao một vài lần, thường là trong những chuyến hiking ngủ lại đêm ở rừng. Lần nào thấy mình cũng rung rinh, thích thú, và đầy hạnh phúc. 

Nhớ có lần, tôi đọc cuốn Muôn kiếp Nhân sinh I của tác giả Nguyên Phong, đoạn mở đầu có kể về trải nghiệm của phi hành gia Mitchell khi đang ở ngoài không gian. Ông kể là trên hành trình trở về Trái Đất, nhìn qua khung cửa sổ của phi thuyền, ông thấy Trái Đất thật nhỏ bé so với vũ trụ bao la. Và vì không có bầu khí quyển ngoài không gian, ông thấy các hành tinh rất rõ, như một mạng lưới khổng lồ với hàng vạn ngôi sao, và bất ngờ trải nghiệm một cảm giác bình an lạ lùng không thể diễn tả. Dù chỉ qua lời kể, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó đặc biệt và xúc động. Tôi thấy Trái Đất thật đẹp và cả vũ trụ cũng thật đẹp. 

Cách đây mấy ngày, tôi được dịp nhìn ngắm một bầu trời màu hồng tím nhìn từ ô cửa sổ. Phủ đầy bầu trời là những vì sao lấp lánh, và nhiều tới độ rực sáng cả một bầu trời. Và tôi thấy mình được kết nối. Quá đỗi sung sướng, tôi cầm điện thoại chụp lại 2,3 tấm ảnh lưu lại, nhưng sau đó tìm mãi mà không tìm thấy được…. Tới khi trời sáng, tôi bừng tỉnh thì biết trải nghiệm vừa rồi chỉ là giấc mơ. Nhưng cảm xúc và khoảnh khắc nó vẫn rất đặc biệt với mình. Thế là sáng nay, tôi quyết định vẽ lại bầu trời và vũ trụ mà mình có dịp chứng kiến trong giấc mơ ấy. Không hẳn là giống hoàn toàn, vì trong giấc mơ ấy tôi không bay vào không gian, nhưng tôi muốn lưu lại vẻ đẹp nhiệm mầu và cảm xúc kết nối ấy lại qua bức vẽ này.

Trái Đất thật đẹp. Và cả vũ trụ cũng thật đẹp.

Vũ trụ với tôi thật rộng lớn nhưng cũng thật gần gũi, bởi vì tôi thấy mình ở trong vũ trụ, nhưng vũ trụ cũng ở trong mình, vạn vật vẫn đang có mặt trong nhau. Đôi lúc cảm xúc bình an tới khi cảm thấy tất cả đều hoà thành một, và chúng ta vẫn luôn an toàn, được yêu thương, và được chở che trong vũ trụ này. Tôi tin là khi mình hiểu được những quy luật của vũ trụ và học cách sống tốt, hoàn thiện bản thân mỗi ngày, gieo những nhân lành, thì những điều tốt đẹp rồi cũng sẽ đến. 

I am safe in every Universe.

Và khi thấy an toàn và yêu thương, thì dù vũ trụ bao la, đâu cũng là nhà.

Advertisement

Âm nhạc và kỷ niệm

Mấy ngày gần đây, cứ nghe lại những bài nhạc cũ hay gợi nhắc tôi về những giai đoạn đã đi qua. Cũng không hẳn là nội dung bài nhạc hay đoạn âm thanh đó gợi nhắc kỷ niệm, mà là bài nhạc gợi nhắc những giai đoạn mình hay nghe nó thì đúng hơn. Hoặc cũng có thể là cả hai. Giống như tự nhiên coi Youtube nghe nhạc Hoa, nhạc Việt thời những năm 2000 lẻ mấy đó thì gợi nhớ thời học sinh, nghe Adele, Ed Sheeran,… là giai đoạn 2014-2016, Đen Vâu là 2019, Thiền ca là giai đoạn dịch bệnh 2021,… kiểu kiểu vậy. Và từng giai đoạn hiện lại như những thước phim trên hành trình mà tôi đã đi qua. 

Tối hôm qua nằm thư giãn, tôi bật lại Power Thoughts của cô Louise Hay lên nghe. Giọng cô ấm áp, cùng với nhạc nền nhẹ nhàng và những Affirmations tích cực cho tôi cảm giác thật yên bình. Chiếc video này, cùng với bài Superheroes của The Script thi thoảng gợi nhắc tôi về giai đoạn đầu lúc mới qua UK đi học. Chắc cũng vì vậy nên giọng đọc của cô tối qua đã đưa tôi về những ký ức của những ngày tháng chín, gần chín năm về trước. 

Đó là một ngày mùa thu se lạnh, tôi đáp xuống sân bay Gatwick sau 14 tiếng dài ngồi máy bay. Chuyến đi này là chuyến đầu tiên trong đời tôi được bay ra nước ngoài, và được tới một thành phố, một đất nước mà tôi đã ao ước từ lâu. Trời London đã bắt đầu vào những ngày đầu thu, tiết trời se lạnh cùng với quang cảnh xung quanh vừa cổ kính vừa hiện đại làm tôi cảm thấy đầy thích thú. Tôi nhớ mình có một cảm xúc rung rinh khó tả dành cho London ngay lần đầu gặp, tôi không rõ vì đó là lần đầu được đến một nơi hoàn toàn khác với nơi mình ở, là cảm giác ước mơ trở thành hiện thật, hay đơn giản, London là London. Hoặc cũng có thể vì tất cả. Booth điện thoại màu đỏ, xe buýt hai tầng, tháp đồng hồ Big Ben, dòng sông Thames thơ mộng, những hình ảnh mà tôi vẫn hay thấy trong sách tiếng Anh từ những năm cấp 2 giờ đã được chứng kiến tận mắt. Sau này, tôi có cơ hội được tới những thành phố khác, dù mỗi nơi đều có một vẻ đẹp của riêng mình, nhưng không phải nơi nào cũng cho tôi cảm xúc đặc biệt ấy. 

Hồi đó ao ước một lần được tới London đến độ mà tôi download ảnh về để màn hình điện thoại, laptop các kiểu, cho tới lúc tự chính mình chụp được ảnh ấy thì thật xúc động.

Quay lại những ngày đầu thu, dù cho có những cảm xúc rung rinh ấy những đồng thời, tôi thấy mình còn xen lẫn nỗi nhớ nhà và có cả nỗi cô đơn chiếm lĩnh. Mọi thứ đều lạ lẫm, kể cả múi giờ, và phía trước là nhiều thử thách. Nhưng rồi tôi nhận ra, mình ở đây cũng chỉ có hơn một năm thôi, nếu dành thời gian quá nhiều cho nỗi nhớ thì mình sẽ vụt mất đi những giây phút hiện tại. Chẳng phải đây là nơi mình đã ao ước được đặt chân tới bấy lâu nay sao? Và không phải lúc nào, mình cũng có được những trải nghiệm này. Suy nghĩ vậy, tôi dần học cách thích nghi và tập trung vào hiện tại nhiều hơn. 

The present is a present.

Cũng thời gian đó, tôi hay mở một số bài nhạc nghe làm động lực, và hai bài tôi nghe đi nghe lại nhiều nhất chính là Superheroes và Positive Thoughts của cô Louise Hay. 

Nào là, 

When you’ve fighting for it all your life

You’ve been working every day and night

That’s how a superhero learns to fly

Every day, every hour, turn the pain into power.”

Superheroes (The Script) 

đã theo tôi trên đường mỗi ngày đi bộ đến trường. 

Còn giọng đọc của cô Louise Hay thì cho tôi cảm giác là vũ trụ luôn ở bên cạnh mình, luôn che chở và yêu thương mình, cho tôi thấy rằng hạnh phúc vốn dĩ là những điều bình dị, và tôi thì luôn được yêu thương dù ở bất cứ nơi nào. 

Rồi cứ vậy, tôi bước qua những ngày tháng khó khăn ban đầu một cách bình an và nhẹ nhàng hơn hẳn. Vậy nên nhiều khi nghe lại những bài này, nó nhắc tôi về một giai đoạn mà mình đã từng đi qua, đã từng học cách mạnh mẽ, học cách trưởng thành, của những năm 20 tuổi. 

London thì có quá nhiều thứ để dễ dàng yêu. 

Tôi yêu những ngày mình đi dạo và tập thể dục trong công viên Greenwich, được ngắm lá vàng rơi giữa tiết trời mùa thu se lạnh. 

Tôi yêu cả những ngày mùa đông lạnh giá, đứng đợi xe buýt giữa đêm khuya sau những giờ làm thêm ngoài giờ. 

Tôi yêu những ngày mùa xuân, lá xanh mơn mởn, những cánh hoa đào nở rộ sau một mùa đông cây cối khô cằn và lạnh giá. 

Tôi yêu cả những ngày hè, hoa Lavender tím cả một cánh đồng, những ngày mà đến tận 10h mặt trời mới chịu đi ngủ. 

Xuân – Hạ – Thu – Đông – rồi lại Xuân. 

Xuân – Hạ – Thu – Đông (London 2014-2015)

Và tôi yêu cả những ngày chạy deadlines, assignments sấp mặt, những ngày bưng phở đến rã người, những ngày cùng những người bạn khám phá những vùng đất mới, và có những trải nghiệm đủ màu sắc của thời thanh xuân. 

Giờ nhìn lại cũng đã nhiều năm trôi qua rồi. Tôi có thêm những ký ức, những mảng màu khác trong những năm qua, và tất cả làm nên con người của mình ở hiện tại. 

Có đôi lúc giữa những tất bật cuộc sống hàng ngày, tôi xém quên mất mình cũng từng có thời gian như thế. 

Cũng có những khi, một điều gì đó gợi nhắc lại làm cho mình rung rinh rồi mỉm cười. 

London vẫn luôn đặc biệt với tôi theo cách đấy. 

Cảm xúc hoài niệm đến đôi khi để nhắc ta về một khoảng thời gian thật đẹp, cho ta biết rằng, có những điều có thể mình đã lãng quên hay lâu chưa nhắc tới, và nó cũng cho ta biết được, ta vẫn có thể tạo những ký ức đẹp khác từ chính giây phút này. 

Tôi quay về hiện tại, và mỉm cười với một thước phim đẹp đã đi qua. Và mỉm cười với con người mình ở thời điểm hiện tại. 

Đi trong sương mù

Nhớ hồi mới ra trường, tôi cùng nhóm bạn thuê xe máy rồi chạy quanh các tỉnh vùng núi Tây Bắc. Những chuyến đi ngày ấy không có sự chuẩn bị gì nhiều và cũng nhiều thứ phát sinh ngoài kế hoạch, nên có những ngày dù dự định về trước 7 giờ tối nhưng phải đến 9,10 giờ tối mới đến nơi. Đường rừng núi không đèn điện, không nhà cửa, hai chiếc xe bon bon chạy, khi mà ánh đèn pha xe máy là thứ ánh sáng duy nhất dẫn đường, nhưng rồi cũng vượt 30,40KM đèo núi để về tới đích. Đó là một trong những lần đầu tiên mà tôi đi đèo vào ban đêm làm mình nhớ và ấn tượng, và cảm xúc lúc đó không phải là sự sợ hãi hay hoang mang chiếm lĩnh, mà là sự tập trung trong từng đoạn đường, dù con đường lúc đó không có gì rõ ràng ngoài vài mét trong ánh đèn pha, và một niềm tin rằng chỉ cần từng chút như vậy tiến về phía trước, mình sẽ tới đích. 

Vài tháng trước, tôi có dịp ghé lại Hà Giang. Hà Giang tháng 12 là những ngày mùa đông lạnh buốt và những con đường đèo sáng sớm ẩn mình trong những lớp sương mù dày đặc. Chạy xe trong sương cũng gần giống như chạy xe đường đèo ban đêm, tầm nhìn cũng chỉ được vài mét và cứ đi tới đâu, thì mới thấy được một đoạn đường ngắn phía trước dần hiện ra. Rồi cũng tập trung từng bước như vậy, chúng tôi đi đến được những địa điểm tiếp theo trong hành trình. 

Nhiều khi, chạy xe đường đèo, đặc biệt trong sương hay ban đêm, cho tôi một cảm giác rất đặc biệt. Nhìn bên ngoài có vẻ dễ làm mình sợ hãi, nhưng chính những lúc như vậy, tôi thấy mình hiện diện trong giây phút hiện tại, từng bước đi vào vùng unknown và để cho con đường dần hiện ra trước mắt. 

Cách đây vài ngày, tôi xem lại nhật ký chạy bộ của mình vài năm trước được nhắc lại kiểu “On this day”, chạy được tầm hơn 8KM, và đoạn caption ghi: “Breathe in. Breathe out. Repeat a thousand times. And it is called “Running”.” Có những ngày chạy bộ, tôi nhận ra nếu mình tập trung vào hơi thở của từng bước chạy, không quan tâm quá nhiều vào con số như đã chạy được bao nhiêu km và còn bao nhiêu km nữa, những ngày đó tôi cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng và tận hưởng hơn nhiều. Cũng không hẳn là không biết mệt, nhưng tận hưởng cả cái mệt, cái mỏi, tận hưởng từng hơi thở vào và thở ra, và đôi khi chỉ cần như vậy. 

Vậy cũng đã gần 1 năm kể từ ngày tôi quyết định rời công việc corporate ổn định để khám phá con đường mới, bước ra từ sự an toàn và ổn định sang một vùng đất hoàn toàn mới và có nhiều thứ unknown. Nhưng càng đi, tôi càng biết ơn sự lựa chọn đó, bởi nó đã đang cho mình nhiều trải nghiệm, dù đôi khi không mấy dễ chịu và dù hiện tại con đường vẫn chưa thật sự rõ ràng, nhưng nếu vẫn ở trong vùng an toàn, chưa chắc tôi có được. 

Nó như những chất liệu giúp cho tôi được trau dồi nội lực và vững chãi hơn mỗi ngày, giúp cho tôi học cách bình an và hiện diện hơn giữa những khó khăn và giữa nhiều điều “không biết”. Đôi lúc tôi cảm thấy những điều mình đang làm vẫn là những mảnh ghép rời rạc, nhưng tôi vẫn tin rằng, bức tranh hoàn chỉnh rồi sẽ hiện ra. 

“You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something — your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life” – Steve Jobs

Chặng đường hiện tại đôi khi giống đang đi trong sương mù, nhưng tôi chọn đi với tâm thế vững chãi và thong dong hơn. Tôi cũng không biết được bao giờ thì sương sẽ tan, nhưng tôi cứ bước tiếp và cố gắng, với một niềm tin rằng, mỗi phút giây mình đang có mặt và sống trọn vẹn chính là con đường, và tới đúng thời điểm, mình sẽ tới được nơi mong muốn. Và ở chặng đường đó, tôi vẫn nhận được thật nhiều sự ủng hộ, tin tưởng, và yêu thương từ những người xung quanh và từ cả vũ trụ. 

Biết ơn thật nhiều. ❤

Chiếc hũ Cho đi

Tôi đang đánh răng sáng nay thì chợt nhớ ra tờ vé số mua cách đây vài ngày từ bà cụ ngồi ven đường vẫn chưa dò. Rồi tự nhiên tôi nghĩ, nếu giờ trúng 2 tỷ thì mình sẽ dùng số tiền đó như thế nào ta? Mình sẽ dùng nó cho những việc gì? Cho những ai? Và nếu tạo một quỹ từ thiện từ số tiền đó thì sẽ phân chia như thế nào để hiệu quả, giúp đúng người, và có tính bền vững lâu dài? 

Tất nhiên đó là những câu hỏi giả định, vì trước tới nay tôi ít khi mua vé số, trừ khi muốn giúp đỡ một vài ông bà cụ đi bán dạo, và có mua đi chăng nữa thì tới giờ giải nhỏ nhất tôi còn chẳng trúng được. Nhưng tôi nhớ ra mình có Chiếc hũ Cho đi, dù không nhiều, và những câu hỏi đó có thể giúp tôi hệ thống lại cũng như tìm thêm vài ý tưởng cho những việc mình muốn làm với chiếc hũ này. 

Hồi sinh viên, tôi có dịp đi đến một số vùng khó khăn ở Việt Nam trong những chuyến thiện nguyện. Nhờ những chuyến đi ngày ấy, tôi thấy được những mảng màu khác nhau trên đất nước mình. Đó là những ngôi nhà bằng lá nằm giữa những cánh đồng ở Long An, những ngôi nhà mà tôi nghĩ chắc được đem ra từ mấy câu chuyện cổ tích, và các em nhỏ phải đi bộ rất xa để được đến trường. Đó là những con đường đất đỏ trên Tây Nguyên, chúng tôi ghé điểm trường bằng xe công nông, mang theo những chiếc áo ấm và vài món quà đến các em nhỏ vùng cao. Những lúc như vậy, tôi thấy thương nước mình lắm. Tôi đã ước sau này có điều kiện mình sẽ đi đến những vùng khó khăn để xây trường, xây cầu, mang con chữ đến với các em. Và cũng thấy thật biết ơn vì mình vẫn còn quá may mắn. 

Những ước mơ đó tôi vẫn chưa thực hiện được nhưng tôi nghĩ nếu mình chưa làm được nhiều, thì mình làm ít, nếu mình chưa xây được trường thì mình góp gạch, và cũng có thể giúp đỡ bằng những cách khác nhau cho những người xung quanh mình. Và thế là cách đây vài năm, tôi quyết định trích mỗi tháng một số tiền cố định dựa trên tổng thu nhập để vào chiếc hũ Cho đi, và dùng số tiền đó cho những hoạt động mình tin tưởng và muốn đồng hành. Số tiền tuy không nhiều, nhưng ít nhất với tôi là sự thay đổi từ việc giúp đỡ một cách ngẫu hứng sang thành một việc định kỳ, và chiếc hũ là một phần trong cuộc sống của mình, cùng với các khoản chi tiêu khác. Đôi khi cho đi cũng là một động lực, bởi vì nếu muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, mình cần phải cố gắng và trau dồi bản thân về nhiều mặt, không chỉ là tài chính. 

Từ ngày đó, tôi dùng số tiền trong chiếc hũ của mình, lúc thì để nuôi cơm các em nhỏ vùng cao cho bữa cơm của các em ấy được thêm dưỡng chất, lúc thì gửi đi trồng cây với hy vọng vài năm nữa Trái Đất sẽ xanh hơn, có khi thì tự tổ chức những dự án nho nhỏ để mang niềm vui đến các cô chú lao công, các cụ già neo đơn ở chùa. Một chút nhỏ xíu như vậy, tôi có thêm niềm vui và thấy cuộc đời mình ý nghĩa. 

Hôm nay những câu hỏi về trúng số tuy giả định nhưng tự nhiên giúp tôi nhìn lại về những đối tượng mình đang hướng tới và có được bức tranh tổng quát hơn về ước mơ cho chiếc hũ Cho đi của mình. 

Tôi chia làm 4 nhóm đối tượng cho chiếc hũ và những mong ước sẽ làm trong nhiều năm sắp tới: 

  1. Người trẻ và liên quan đến giáo dục và phát triển bản thân: 
  • Xây trường học, thư viện (hoặc góp gạch xây trường, xây thư viện cho các vùng khó khăn)
  • Hỗ trợ học phí cho các trẻ em mồ côi 
  • Hỗ trợ tiền cơm cho các em vùng cao (hiện tại tôi đang đồng hành cùng dự án Nuôi Em) 
  • Định hướng nghề nghiệp và giúp các bạn trẻ hiểu bản thân 
  • Đồng hành cùng các bạn trẻ thông qua chương trình Coaching và Mentoring 
  • Đồng hành cùng các giáo viên vùng khó khăn thông qua Coaching 
  • ….
  1. Người lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn: 
  • Hỗ trợ sinh hoạt phí cho những người lớn tuổi neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn 
  • Dành thời gian và lắng nghe họ 
  1. Môi trường 
  • Tiêu dùng trong chánh niệm, hạn chế rác thải ra môi trường trong việc sinh hoạt hàng ngày 
  • Ăn chay nhiều hơn 
  • Đồng hành cùng các tổ chức để góp phần trồng thêm cây xanh cho Trái Đất 
  • ….
  1. Động vật 
  • Hỗ trợ triệt sản cho một số quỹ động vật (chó, mèo) 
  • Ăn chay nhiều hơn 

Đây là phiên bản của chiếc hũ năm 2023 và có thể thay đổi, điều chỉnh sau này. Nhưng ít nhất khi tôi bắt đầu ngồi xuống rồi viết vẽ ra, bức tranh về chiếc hũ dần hiện rõ ràng hơn, và cho tôi thêm nhiều hào hứng, phấn khởi, xen lẫn hạnh phúc khi nghĩ về những dự định này. 

Cho đi đôi khi cũng không cần gì quá lớn lao, chúng ta đều có thể bắt đầu bằng những suy nghĩ, hành động nhỏ nhất mà mình có thể làm cho xung quanh. Tôi vẫn tin rằng vũ trụ luôn có đủ những gì chúng ta cần, và như dòng chảy năng lượng giữa cho và nhận, chúng ta đều có thể là một phần trong dòng chảy đó, nhận rồi cho, cho rồi nhận, cứ thế làm cho dòng chảy ấy lớn mạnh và tiếp diễn mỗi ngày. 

Một ngày hiking ở núi Dinh

Tôi là đứa thích thiên nhiên. Hồi những năm 20 tuổi, giai đoạn mà tôi trẻ, nhiều sức khoẻ, và dễ thích nghi hơn bây giờ nhiều, giai đoạn mà tôi nghĩ thích hợp nhất cho những chuyến đi rừng hay hành xác, tôi vẫn hay thêm danh sách những chuyến khám phá rừng núi vào trong Bucket List của mình – danh sách những điều muốn làm một lần trong đời. Rồi từ đó, những chuyến chinh phục từ đỉnh Fansipan đến những cực Đông Tây Nam Bắc của đất nước mình dần được thêm vào bộ sưu tập những điều làm được trong danh sách ấy. Những chuyến đi ngày ấy thường dạy cho tôi nhiều điều hay ho, về sự kiên trì và tiến về phía trước, về sự chánh niệm và tập trung vào hơi thở và hiện tại, về tinh thần đội nhóm, và cả bài học về tình yêu thiên nhiên. 

Có lẽ được sinh ra và lớn lên ở thành phố nên từ nhỏ tôi ít có cơ hội được đi rừng. Những chuyến hiking thường cho tôi những trải nghiệm đặc biệt, từ sự choáng ngợp của núi rừng hùng vĩ Tây Bắc đến những cung đường với thảm thực vật xanh ngắt bên cạnh là màu xanh ngọc bích của biển ở cực Đông, những đêm bầu trời sao nhiều và gần đến độ tôi tưởng mình có thể với tay lên hái,… Hiking còn là dịp tôi được gặp những người bản địa – những người dẫn đường và giúp chúng tôi khiêng thức ăn lên đến điểm cắm trại đêm. Cũng không biết các anh ấy đã tập luyện bao lâu nhưng dáng đi rất nhẹ nhàng, như thể đang đi dạo chơi, dù trên vai đang vác hơn 20kg và chỉ mang đôi dép nhựa. 

Vài năm sau đó, tôi có cơ hội được đi hiking ở một số nước khác Việt Nam. Thảm thực vật và cảnh quan tuy có khác nhau, nhưng điểm chung tôi cảm nhận là thiên nhiên xung quanh chúng ta thật sự rất đẹp. Là rừng núi, là sông suối, biển cả, là những sinh vật sống khác nhau tạo nên một quần thể đa dạng và nhiều màu sắc, ôm lấy và nuôi dưỡng mọi loài. Và thật hạnh phúc và biết ơn khi được nhận nhiều thứ từ mẹ Thiên nhiên đến vậy. 

“In the end, we will conserve only what we love, we will love only what we understand, and we will understand only what we are taught.” Baba Dioum, 1968. 

Sau này, tôi ít đi lại hẳn. Một phần vì ở Việt Nam, các chuyến hiking có cảnh đẹp, hoang sơ thì thường phải ở lại qua đêm, nhưng thường thì không thoải mái lắm trong chuyện vệ sinh tắm rửa; và càng có tuổi, tôi càng ngại chuyện đó. Tầm một năm trở lại đây, tôi cứ có mong muốn được đi hiking lại. Nó giống như là cảm giác quá lâu không được tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên, và lại thèm cái cảm giác được khám phá, thử thách chính mình một chút sau chuỗi ngày cảm thấy cơ thể hơi bị ù lì, nên cảm xúc Adventure trong mình lại bắt đầu nổi dậy, như thể là lâu rồi mình bỏ quên nó. Lục tìm xung quanh Sài Gòn xem thế nào thì cuối cùng tôi tìm được Núi Dinh ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi chọn núi Dinh vì nhiều lý do, thứ nhất là có thể đi về trong ngày, và thứ hai là địa hình phù hợp với thể trạng của tôi ở thời điểm hiện tại, những cung đường không quá khó, cũng nhiều cây cối mát mẻ, vừa để mình luyện tập thể lực, vừa được dịp để mình gần gũi với thiên nhiên. 

Núi Dinh thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có độ cao 500m và cách Sài Gòn tầm 80km. Tôi thường khởi hành từ sáng sớm, chạy xe đâu đó tầm 2 tiếng thì đến nơi và bắt đầu hành trình. Ở đây có nhiều cung dài ngắn khác khau để bạn có thể lựa chọn cho phù hợp với lịch trình và sức khỏe. Và dù đã đi lần thứ ba, nhưng mỗi lần đi là một kiểu thời tiết và cung đường khác nhau nên cũng chưa làm mình chán. Lần đầu tôi nhớ là những ngày tháng 7 năm ngoái, trời vào mùa mưa nên một số con đường phủ trên mình lớp rêu xanh hai bên trông khá mát mắt. Lần này thì mùa khô, con đường nối từ đường chính lên điểm dừng bắt đầu hiking là những con đường quanh co, uốn lượn, khoác lên mình lớp áo vàng, như kiểu đang được đi dạo trên con đường mùa thu ở một nước ôn đới nào đấy. Núi Dinh được bao phủ bởi rừng cây xanh đủ loại và những con suối chảy róc rách. Đường ở đây nhìn chung khá dễ đi, trên đường luôn có những dấu hiệu – là những màu sắc được tô hay cột lên thân cây, tương ứng với màu sắc và cung đường bạn chọn, nên cứ lần theo các dấu hiệu và các con đường mòn là được. Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những em nhỏ xíu, đâu tầm cấp 1, cấp 2, cùng ba mẹ đi khám phá rừng. Lần khác là nhóm các bạn trẻ cùng nhau tập chạy trail, có anh Tây chạy lên dốc rồi chạy xuống dốc nhiều lần, lướt ngang nhau say hello một cái rồi chạy tiếp, cũng có lần là cô chú bán nước mía dọc đường, luôn yêu đời, vừa bán hàng vừa hát mỗi khi khách ghé. 

Nhiều lúc tôi nghĩ, chúng ta không nhất thiết phải thích đi hiking, nhưng nếu có dịp để sống chậm lại, dừng lại và quan sát xung quanh thêm một chút, ắt hẳn cũng sẽ tìm thấy được rất nhiều điều dễ thương và tươi đẹp xung quanh mình. Đó có thể là bầu trời lúc hoàng hôn nhuộm lên mình nhiều màu sắc, tiếng chim hót ríu rít quanh nhà, nụ cười hạnh phúc của một ai đó mình vô tình bắt gặp, hay đơn giản là năng lượng tích cực của một người toả ra từ việc họ đang làm. Tất cả đều đẹp, theo một nét rất riêng. 

Và chúng ta, khi tập nhìn cuộc đời với một thái độ cởi mở và đón nhận, để hiểu và thương, thì tự nhiên, mọi thứ xung quanh đều rất mầu nhiệm. Biết ơn.  ❤

Nếu có bảo bối “Cây bút giới hạn ngôn từ” của Doraemon, bạn sẽ dùng nó như thế nào?

Nhớ có lần, mình ngồi xem hoạt hình Doraemon tập về bảo bối “Cây bút giới hạn ngôn từ”. Tập film bắt đầu bằng hình ảnh Shizuka (Xuka) buồn rầu vì bị cô giáo dạy nhạc la rầy bằng những câu không mấy khích lệ. Nobita thấy vậy bèn kể lại Doraemon, cả hai lo sợ những lời nói có thể ảnh hưởng rất lớn đến một người. Và thế là Doraemon đã giới thiệu cho Nobita dùng bảo bối “Cây bút giới hạn ngôn từ” để giúp Shizuka. 

Bảo bối này có công dụng là mỗi khi dùng bút tô lên từ nào đó thì từ đó sẽ trở thành từ cấm và nếu bất kì ai đó nói ra từ cấm đó sẽ bị sét đánh giật người. Nobita bắt đầu tô lên những từ để cô giáo dạy nhạc không la rầy Shizuka nữa, vì cậu nghĩ vậy sẽ giúp Shizuka hết buồn, và tiếp tục tô những từ mà mình không muốn nghe mọi người nói về mình, như là “hậu đậu”, “vụng về”,….Cậu dần đi quá đà bằng cách tô rất nhiều từ trong từ điển, vì nghĩ đang giúp đỡ một số người và chính cậu. Nhưng rồi một ngày, cậu nhận ra rằng điều đó cũng không giúp ích như cậu vẫn tưởng, Shizuka vẫn cảm thấy buồn rầu vì cô giáo dạy nhạc không còn dám đưa phản hồi giúp cô tiến bộ, những người bạn của Nobita như Giant (Chai-en) hay Suneo (Xeko) không thèm chơi với cậu nữa, vì sợ nói ra những từ không hay sẽ bị trừng phạt. Và cậu nhận ra, không chỉ là lời nói quan trọng, mà còn là cách nói và cảm xúc khi nói từ ngữ đó nữa. Thế là, Nobita quyết định trả lại bảo bối cho Doraemon và cùng nhau lấy gôm xóa những từ cậu đã dùng cây bút giới hạn ngôn từ tô màu rất nhiều từ trong cuốn sổ.

Ngôn từ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống chúng ta. Và không chỉ là từ ngữ được nói ra, mà còn là cách dùng và cảm xúc của mình khi dùng từ đó, nó có thể làm thay đổi và ảnh hưởng những người nghe được nó, kể cả từ mình tự nói với chính mình. 

Ở cuộc sống hàng ngày, chúng ta không có bảo bối như Doraemon, khi nói một số từ sẽ bị giật bắn người. Nhưng tự nhiên mình nghĩ tới một trải nghiệm khác, là nếu mình thử thách bản thân không nói hay nghĩ 1 từ nào đó trong vòng 1-2 tuần sắp tới, thì từ đó sẽ là gì? Và cuộc sống của mình sẽ khác đi như thế nào? 

Từ đầu tiên nảy lên trong đầu mình là từ PHẢI. PHẢI trong từ phải làm một điều gì đó, bắt buộc làm điều gì đó. 

Sở dĩ mình chọn từ này bởi vì mình nhận ra mình thích sự tận hưởng, thích làm chứ không phải bắt buộc phải làm gì, và khi có được niềm vui thì mình sẽ thấy nhẹ nhàng và tận hưởng hành trình hơn, cũng như sẽ tìm cách để làm điều cần làm một cách thú vị hơn.

Và thay vào đó, mình nghĩ một số từ khác thay thế, như là “ĐƯỢC”, “THÍCH”, “TẬN HƯỞNG”, “CÓ CƠ HỘI” hoặc ít nhất, là bỏ từ “PHẢI” ra khỏi câu, xem như thế nào.

Ví dụ: Hôm nay mình phải đi chạy bộ => Hôm nay mình đi chạy bộ, mình thích đi chạy bộ, mình được đi chạy bộ, mình tận hưởng việc chạy bộ,…

Mình phải dậy sớm đi làm => mình dậy sớm đi làm, mình được dậy sớm đi làm, mình thích dậy sớm,….

Mình phải chạy deadline cho dự án => Mình có cơ hội được làm dự án và hoàn thành đúng tiến độ. 

Nghe nó có giả tạo quá không?

Đang ngủ sướng ơi là sướng mà được dậy sớm đi làm? Đang chạy mệt ơi là mệt mà mình được chạy bộ? Đi chạy dự án deadline tùm lum, sếp dí đủ chuyện mà có cơ hội được làm dự án? 

Hôm rồi trong lúc đang chạy bộ, được vài km thì cơ thể mình bắt đầu mệt và muốn dừng lại, mình đã nghe một giọng nói trong đầu vang lên: “còn phải chạy 2km nữa”. Rồi mình chợt nhận ra, ôi sao nghe nó nặng nề quá, nếu mà mình thử nghĩ hay nói: “mình được chạy 2km nữa” hay đơn giản là “mình chạy 2km nữa” thì nghe nó nhẹ nhàng hơn nhiều. Và mình nhận ra, khi mình nghĩ và nói “còn phải chạy”, cơ thể mình sẽ tập trung nhiều vào sự mệt mỏi và lý do để dừng bước nhiều hơn là sự tận hưởng hành trình và lắng nghe cơ thể, cũng như là lý do để tiếp tục. 

Ngôn từ mình nói ra không phải là tất cả, nhưng nó là một trong những biểu hiện bên ngoài của những gì mình nghĩ, những giá trị, niềm tin mình đang có, hay góc nhìn mình đang nhìn sự vật, sự việc đó, cũng như những cảm xúc mình cảm nhận. 

Và ở đây không chỉ đơn giản là thay đổi từ mình hay sử dụng, mà còn là quan sát kỹ hơn những điều thuộc về bên trong tạo nên những suy nghĩ và lời nói đó, để từ đó hiểu và thay đổi nếu cần, để mình cảm thấy tốt hơn. 

Có thể bạn sẽ không có bảo bối giật bắn người như trong truyện Doraemon khi bạn nói ra một điều gì đó, nhưng bạn luôn có một bảo bối khác, cũng đầy quyền năng, đó là sự LỰA CHỌN. 

  • Lựa chọn làm một việc gì đó hay không? 
  • Lựa chọn làm việc đó với thái độ như thế nào? 

Nếu vẫn cảm thấy toàn là khó khăn, toàn thấy cái mất, cái “bị làm” hơn là cái “được làm”, thì thử hỏi bản thân: 

  • Điều gì đã khiến mình lựa chọn và bắt đầu làm nó? 
  • Mình muốn sự việc đó trông như thế nào? 
  • Góc nhìn nào mình đang có với việc đó để mình suy nghĩ “phải” làm? 
  • Những góc nhìn nào khác sẽ hữu ích hơn trong tình huống này? 
  • Mình trải nghiệm những cảm xúc gì khi làm việc đó? 
  • Nhìn thấy rõ những điều đó rồi mình sẽ lựa chọn như thế nào?
  • ….

Tất nhiên mình không thể nào cấm vĩnh viễn một từ nào đó ra khỏi từ điển của mình, nhưng nếu có một trải nghiệm trong vòng một vài tuần để quan sát rõ hơn về bản thân và cách nhìn, cách nghĩ, cảm xúc của mình với sự việc, sự vật xảy ra xung quanh hàng ngày cũng là một điều khá thú vị. 

Còn bạn, nếu có 1 từ bạn chọn sẽ không dùng nó, có thể cho chính bạn, hoặc người xung quanh, trong vài tuần tới, thì đó sẽ là từ gì? 

Những chiếc xe đạp của tôi

Lần đầu tập đi xe đạp

Tôi biết đi xe đạp năm lên 9 tuổi. Đó là năm tôi học lớp 3, và cũng là giai đoạn giải tỏa tái định cư ở Đà Nẵng, đầu tiên là nhà nội, rồi vài năm sau, tới nhà tôi. Trong ký ức của một đứa con nít năm ấy, tôi nhớ mình có ít nhiều luyến tiếc. Luyến tiếc bởi vì khoảng sân rộng ngày nào, nơi tôi vẫn thường ngồi chơi, nói chuyện với ông bà nội mỗi trưa hè, giờ phải đập đi để chuyển qua một khu khác. Đó là những ngày hè tuổi thơ, gió thổi mát rượi từ phía biển vào, chúng tôi ngồi trên băng ghế đá mài, xa xa là những luống hoa, luống rau xanh rì, và ông bà thỉnh thoảng nhắc tôi ráng học đi nha con, sau này còn làm kỹ sư, bác sĩ. 

Giải tỏa nghĩa là không còn những khoảng sân rộng đó nữa, mà mỗi nhà sẽ chuyển từ những mảnh đất đủ kích cỡ, hình dạng, sang những ô chữ nhật thẳng thớm, và những con đường nhựa mới mọc lên thay cho những con đường đất ngày nào. 

Hồi mới xây, những con đường mới ngửi được cả mùi nhựa và vắng người qua lại. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu tập đi xe đạp lần đầu trong đời. Cũng không nhớ chính xác động lực là gì, nhưng tôi nhớ mình rất háo hức được tập và đi lắm. Nhấp nhấp từng tí một, rồi từ từ, nâng lên thành đạp một vòng mà không cần nhấp nữa, tôi cuối cùng cũng đi được một đoạn dài. Nhưng ngồi lên yên để đạp…thì chưa được. Có những hôm, trời nắng ơi là nắng, tôi cũng chỉ mong tới tầm chiều để được lấy xe ra đi vài vòng. Được vài ngày, tôi muốn nâng độ khó của việc tập bằng việc ngồi lên yên đi, dù chân hơi với. Và thế là, do chưa đi vững cộng với chân không chống tới, tôi ngã cú ngã đầu đời của sự nghiệp tập xe, dù trước đó còn tự tin lắm. 

Sau cú ngã lần ấy, tôi vẫn cứ tập rồi dần dần mình có thể đi được trọn vẹn, tức là ngồi yên và đi được dài. Ngày xưa thỉnh thoảng người lớn nhờ đi đâu mua gì cũng có những khi làm biếng, nhưng từ ngày biết đi xe đạp, tôi thấy mình siêng hẳn ra. Ai nhờ mua gì cũng đi, đầy thích thú và siêng năng đến lạ. 

Kể từ đó, chiếc xe đạp gắn với tôi trong những ngày tháng đi học hè năm lớp 4 và cả sau đó nữa. 

Có lẽ khi còn nhỏ, chúng ta từng dũng cảm hơn bây giờ rất nhiều, vấp ngã ở đâu thì cứ đứng lên chỗ đó, cùng lắm là vài lần xuýt xoa đau đớn, rồi để lại đó mà bước tiếp đi. Càng lớn, có khi lại càng nhiều nỗi sợ mà cứ để đó hoài.

Những năm cấp hai và chiếc xe đạp cà tàng

Lên cấp 2 thì tôi đi học xa hơn một xíu. Nói xa chứ thiệt ra chỉ xa hơn với một đứa con nít thôi. Tầm đâu chưa tới 2km. Hồi nhỏ thấy mọi thứ xung quanh nó khổng lồ, xa xôi lắm. Lớn lên rồi thì thấy cũng không đến nổi nào. Hay là độ tuổi tỉ lệ nghịch với khoảng cách nhỉ?

Tôi cũng chẳng nhớ chiếc xe đạp đó từ đâu ra, nhưng là chiếc xe gắn bó với tôi trong suốt 4 năm học. Đó là một chiếc xe cũ, được sơn lại, và cùng tôi đi học chính, đi học thêm, đi khắp nơi. Có những ngày xe hư cũ theo kiểu hư đâu sửa đó, tôi bực mình như kiểu muốn vứt quách cho xong. Thế nhưng mà vứt rồi thì xe đâu mà đi tiếp. Vậy mà chiếc xe ấy cũng đã cùng tôi đi qua những ngày mưa nắng của những năm cấp 2. Có thời gian nhà tôi chuyển xuống một xóm nhỏ, bên cạnh là khu nghĩa trang. Vẫn chiếc xe đạp ấy, tôi đi học về trong những đêm mưa tầm tã. Và mẹ đã ra đầu hẻm đợi đón tôi về.

Sau này kể lại, tôi hỏi: mẹ đứng vậy có sợ không? 

Mẹ nói là sợ chứ, nhưng mà nóng ruột, nên vẫn ra đứng chờ để cùng đi ngang khu vắng vẻ ấy và cùng về. 

Có những sự yêu thương lớn đến nỗi sẽ không còn chỗ cho nỗi sợ nữa. 

Mãi tới năm lớp 10, tôi thi đậu vào trường công và được mua cho chiếc xe mới. Và tạm biệt chiếc cà tàng gắn bó trong suốt 4 năm học. 

Chiếc đờ mi mới toanh biến mất 

Vậy là lên lớp 10, tôi được mua cho một chiếc xe mới toanh. Thời đó nổi lên chiếc đờ mi, nên gần như ai mua xe cũng mua loại đó. Tôi cũng không ngoại lệ. Mặc dù bây giờ nhìn lại không thấy đẹp gì, hoặc là mắt thẩm mỹ của mỗi thời điểm và độ tuổi là khác nhau. Nhưng mà cuối cùng thì cũng có được chiếc xe mới, ít nhất là không phải sửa đi sửa lại một chiếc xe quá cũ kĩ của mình. 

Cùng thời điểm đó, nhà tôi vừa xây xong và chúng tôi chuyển lên chỗ ở mới. Nhà mới đủ rộng để phòng bếp và phòng khách cách xa nhau mà nhiều khi cũng chẳng nghe rõ tiếng. Cả nhà cùng ăn tối dưới bếp, thì cảm giác như có ai đó đang mở cửa vào. Tiếng cửa nhẹ đến độ tất cả chỉ là cảm giác thôi, chứ không chắc chắn là ai đó đang mở cửa. Vội chạy lên nhà trên xem, cửa khép nhẹ, và …. chiếc xe đạp cũng biến mất tiêu. 

Lần này thì không còn là cảm giác nữa, mà nó đúng là như vậy. Phải mất vài phút, tôi mới chấp nhận là chiếc xe mới toanh của mình đã bị mất cắp, sau chưa đầy vài tuần. Đó là cái cảm xúc 4 năm mòn mỏi với chiếc xe đạp cũ hư lên hư xuống, vừa mới có được chiếc mới thì… xe đi mất tiêu. 

Hụt hẫng. Buồn. Nhưng rồi tôi cũng được mua cho chiếc thứ hai thay thế, nhưng lần này thì cẩn trọng hơn. Tôi cũng chẳng vui mừng như lần trước nữa, như kiểu nếu không mua thì không có xe đi học, mà mua thì lại tốn thêm tiền ba mẹ. 

Và đó là chiếc xe đạp thứ 3 bên tôi cũng như gắn bó với tôi trong suốt những năm cấp 3 của mình. 

Những “người bạn” chứng kiến sự trưởng thành

Sau này vào Sài Gòn đi học, tôi được mua lại một chiếc Martin cũ để đi trong một, hai năm đầu. Hôm nào đi xa quá thì may mắn có bạn có xe máy cho đi ké. Tầm đâu một năm rưỡi khi bắt đầu vô chuyên ngành học thì tôi được nâng hạng lên xe Wave – gắn với thời sinh viên sau này. 

Còn bây giờ, chiếc xe đạp tôi có là thỉnh thoảng để đi tập thể dục. 

Giờ ngồi nhìn lại, xe đạp không chỉ là phương tiện, mà còn là những người bạn đồng hành cùng tôi qua những năm tháng đi học, cùng tôi lớn lên, và chứng kiến biết bao kỷ niệm vui buồn của thời học trò.

Có những chiếc xe đạp, dù không xịn sò, nhưng chở cả tuổi thơ.

Cảm ơn những “người bạn” năm ấy nhé.

Dòng Chảy Cho và Nhận

Cách đây nhiều năm, mình có dịp được xem qua chiếc clip về lan rộng sự tử tế của Life Vest Inside mà mình rất thích, đó là Kindness Boomerang. Chiếc clip bắt đầu bằng một sự giúp đỡ với một người xa lạ ngang đường, rồi từ đó họ trở thành người tiếp theo giúp đỡ những người khác. Cứ như vậy, mỗi người trở thành một mắt xích trong cái vòng tròn tử tế đó, và làm cho vòng tròn mỗi ngày một rộng ra. Hồi đó ngồi xem, mình cảm thấy biết ơn và hạnh phúc lắm, bởi vì cuộc đời này vốn dĩ vẫn còn nhiều điều dễ thương, sự tử tế vẫn ở xung quanh mình, và bất kỳ lúc nào muốn, vòng tròn tử tế đó vẫn luôn chào đón bạn tham gia vào, để trao đi và để thấy cuộc đời này vẫn đẹp. 

Gần đây ngồi mở xem lại, vẫn cái cảm xúc biết ơn ấy khi xung quanh luôn có những điều dễ thương của sự cho đi, nhưng tự nhiên lần này mình còn thấy thêm một góc nhìn khác nữa. Đó là cũng có một sự dễ thương khác, quan trọng không kém, là của sự nhận lại. 

Sẽ thật ý nghĩa nếu chúng ta trở thành một người cho đi, và mang những điều tốt đẹp đến với thế giới xung quanh mình. Nhưng sẽ ra sao nếu không có ai muốn hay mở lòng đón nhận điều đó? Nó giống như bạn cầm trên tay một món quà và háo hức được tặng cho một ai đó, nhưng lại không tìm thấy người nhận hoặc người đó không sẵn sàng mở lòng hay mong muốn để nhận món quà này. 

Và rồi mình nhận ra rằng, người cho, người nhận, và vật được trao là một bộ ba không thể tách rời nhau. Nếu không có sự cho thì cũng không có sự nhận, nếu không có sự nhận thì cũng chẳng có sự cho, và nếu không có vật được trao đi đó thì mối quan hệ cho – nhận cũng chẳng thể hình thành. Đó là một mối quan hệ tương tức, mà không có cái nào hơn cái nào cả. 

Mình biết ơn vì có quá trời thứ mình nhận được mỗi ngày, là mỗi lần được hít vào thở ra, là một bữa cơm đủ đầy, là sự yêu thương và hỗ trợ từ rất nhiều người,.. và còn nhiều nhiều điều khác. 

Mình biết ơn vì mình có cơ hội được trao đi những đặc ân mà mình đã nhận được, tới những người cần nó. 

Và mình cũng biết ơn vì họ đã mở lòng và đón nhận nó. 

Nó giống như là một dòng chảy năng lượng giữa cho và nhận, cứ tiếp diễn và lớn mạnh mỗi ngày, và mình là một phần, một mắt xích trong dòng chảy đó. Việc của mình, là mở lòng ra để dòng chảy không bị tắc nghẽn nơi mình. Rồi cứ thế, mỗi ngày đều là một ngày dễ thương, mỗi người đều có thể góp phần cho dòng chảy năng lượng cho – nhận được hanh thông và lớn mạnh. 

Viết thư cho người bạn tương lai

Giữa thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, thật dễ khi chúng ta muốn liên lạc với một ai đó hay cập nhật tình hình xung quanh, dù là ở cách xa cả nửa vòng Trái Đất. Chỉ cần vài cái lướt màn hình, chúng ta có thể biết được tình hình thế sự xung quanh, và cũng dễ dàng gọi điện, nhắn tin, nhìn mặt nhau trong lúc nói chuyện với một ai đó. 

Dù là dễ như vậy nhưng đôi lúc, mình vẫn thích cái cảm giác được gửi vài tấm postcards khi đi chơi đâu đó xa, một vài tấm thiệp viết tay nhân những dịp đặc biệt, hay cảm giác được nhận một lá thư tay. Thật ra thì cũng không phải là sự khác biệt giữa viết tay và đánh máy, nhưng cái cảm giác mình thích chính là khi chúng ta chậm lại, rồi kết nối với những thông điệp mình muốn gửi đi hay thông điệp mình nhận được, rồi gửi đi/đón nhận những năng lượng yêu thương đó. Viết tay cũng được, gõ phím cũng được, chậm lại và kết nối là được. 

Mình nhận ra là dù vài lần có gửi postcards hay thiệp, nhưng chưa lần nào viết thư cho ai đó. À không, cũng có vài lần, là viết thư gửi cho ông già Noel dịp Giáng Sinh. Hay là lần này mình thử ngồi kết nối và viết một lá thư gửi cho một người bạn nhỉ? Rồi tự nhiên, mình muốn viết vài dòng, tâm tình, thủ thỉ kể cho bạn nghe về cuộc sống hiện tại, về bản thân mình, cũng như hỏi thăm bạn về cuộc sống của bạn thế nào. 

Người mình muốn gửi là một người bạn – một phiên bản khác của mình ở tương lai. Người mình chưa bao giờ được gặp – nhưng mình tin là thư sẽ tới được tay bạn vào một ngày nào đó. Một người có vẻ như là chị em sinh đôi với mình, nhưng nhìn kỹ thì cũng không giống mình lắm, một người là mình nhưng cũng không phải là mình. Mình quyết định gửi cho Oanh phiên bản 2025, và bạn ấy sẽ nhận vào dịp sinh nhật năm đó. Chắc cũng thú vị lắm. 

Và thế là, mình bắt đầu những dòng thư đầu tiên, kể bạn nghe về nơi mình sống hiện tại, những điều mình vừa làm được, những điều mình mong muốn làm trong năm nay. Mình còn tâm tình thủ thỉ với bạn về những cảm xúc mà mình đang cảm nhận ở giai đoạn hiện tại cũng như chia sẻ với bạn về những bài học, góc nhìn, giá trị mà mình thấy tâm đắc lúc này cho bạn nghe. Rồi hỏi thăm bạn về cuộc sống của bạn cũng như những bài học, góc nhìn, giá trị,…mà bạn đang có ở thời điểm đó. Nghĩ tới ngày thư sẽ đến tay bạn và chúng ta có dịp được kể nhau nghe những khác biệt về bản thân mình để cùng nhau hoàn thiện hơn, được lắng nghe, được trò chuyện, và kết nối, thật là thú vị và hào hứng. 

Lần này thì mình không viết thư tay mà viết bằng file mềm rồi nhờ một trang website giúp mình gửi đi. Một phần vì mình không biết cách gửi đi cho tương lai bằng bưu điện và cũng chẳng biết địa chỉ người nhận lúc đó :)) và một phần khác là chữ viết tay của mình không đẹp lắm để viết dài và rồi cũng sợ là mình sẽ quên mất là đã cất nó ở đâu. Thế là mình lên mạng search, ra được một trang cũng khá hay ho nè. https://www.futureme.org/ (Future Me). Đại loại như mình có thể chọn được phiên bản tương lai nào mà mình muốn gửi tới – bằng cách chọn thời gian cụ thể, rồi điền email người nhận vào. Bạn cũng có thể chọn Private (riêng tư) hay Public, but anonymous (Công khai, nhưng ẩn danh) cho lá thư của mình. 

Với mình thì hoạt động này không chỉ là viết thư đơn thuần, mà còn là cơ hội để mình dừng lại, kết nối với bên trong mình để nghe rõ, hiểu rõ hơn về bản thân ở hiện tại, là nơi để mình được chậm lại, được lắng nghe bởi cảm giác người nhận là một người tuy chưa gặp nhưng rất thân quen với mình, yêu thương mình và luôn sẵn lòng ngồi nghe mình nói. 

Hẹn ngày thư đến tới tay bạn, và chúng mình sẽ cùng trò chuyện, hiểu hơn về các phiên bản khác nhau của mình nhé!

Những đứa con đầy lông lá

Đậu và tô salad yêu thích của tôi 

Tôi có một tô salad yêu thích của mình, vừa mua cũng được vài tháng, nó đủ to để tôi có thể trộn rất nhiều thứ vào một lúc mà không sợ bị rơi ra bên ngoài. Vào một ngày, tôi sắp xếp lại một số đồ đạc trong nhà, cất tô lên đầu tủ lạnh cho rộng rãi và cũng dễ dàng lấy khi cần dùng. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói cho tới khi một lần, tôi quay qua quay lại trong bếp và phát hiện ra nhỏ Đậu đã ngồi lọt thỏm trong cái tô kia. Tôi không biết đây có phải là lần đầu nó làm vậy, hay đã làm nhiều lần trong đêm tối hay trong lúc tôi không có ở nhà, nhưng giờ tôi mới phát hiện ra điều đó. Tôi thảng thốt la lên: Ôi sao Đậu lại vô đây rồi! Và rồi, bà má vừa bất ngờ, bất lực, và cảm xúc tiếc cái tô kia qua đi nhanh chóng khi hình ảnh trước mắt là một con bé mặt ngây thơ như không biết chuyện gì vừa xảy ra đang nhìn mình. 

Thế rồi, tôi để yên cho nó vẫn ngồi đấy, định bụng thôi coi như tặng cho nó cái tô kia luôn vậy. Và cũng từ cái ngày phát hiện ấy, nó ra vào thường xuyên hơn với nơi ở mới ưa thích của mình, có thể là một phát hiện vị trí ưa thích mới, khi vừa cao, vừa lấy được hơi ấm từ tủ lạnh toả ra, truyền qua đáy của cái tô salad, rồi sưởi ấm toàn bộ cơ thể màu đen đang nằm gọn, hoặc cũng có thể nói, nó không mới nhưng là một nơi mà giờ đây nó có thể công khai làm chuyện đó mà không sợ loài người la rầy. Tôi không biết nữa. Nhưng tôi đã quyết định nhường cho nó cái tô ưa thích của mình, mà không than phiền. 

Nghĩ đi nghĩ lại, có lẽ điều gì lũ con lông lá của tôi thích, tôi đều tạo điều kiện. Từ ngày Nấm thích nằm tầng trên cùng của kệ sách, tôi đã quyết định nhét những cuốn sách của mình ở tầng nào trong kệ cũng được, miễn vẫn còn không gian đủ cho Nấm nằm ở tầng trên cùng, thoải mái nhìn ra ô cửa sổ và tắm nắng vào buổi sớm mai. Từ ngày Đậu cứ chui vào chiếc vali to đùng mà tôi hay dùng mỗi khi đi đâu dài ngày, rồi ra vào ngủ nghỉ thường xuyên, chiếc vali dần trở thành nơi ẩn nấp an toàn nhất của Đậu trong căn nhà này, tôi quyết định không dọn vali lên cao nữa, để Đậu có thể lui tới mỗi ngày. Dù sao thì ai cũng cần một nơi nào đó mà mình cảm thấy an toàn và thoải mái nhất để mỗi khi bất an có thể quay về hay khi muốn một mình nhất. Với Nấm là nằm gọn trong chiếc mền khi người lạ ghé đến, còn với Đậu là chiếc vali kia, đủ kín đáo để Đậu an tâm nằm và đánh một giấc dài từ sáng tinh mơ đến tối mịt mờ. 

Nấm và những vai trò khác nhau trong một ngày

Tôi nghe nói mèo ngủ mười mấy tiếng một ngày, ngủ ngày cày đêm, à không, “đua xe” ban đêm. May mắn là, hai đứa mèo nhà tôi thì ngủ đêm giống giờ loài người, hoặc ít nhất là không đua xe chạy phá ban đêm (trộm vía). Trong khi nhỏ Đậu thì ngủ gần như cả ngày lẫn đêm thì Nấm có lẽ sinh hoạt gần giống giờ của người nhất. 

Cứ tới 9 giờ tối, khi loài người cũng dần chuẩn bị đi ngủ thì Nấm cũng đã nhanh nhảu chui vào “khuê phòng” yêu thích của mình, nằm gọn ghẽ trong đó. Có thể nó có vài lần tỉnh giấc làm gì đó nửa đêm, nhưng mỗi lần sáng sớm lúc tôi thức dậy, đều thấy nó vẫn nằm ngủ trong khuê phòng của mình. Dạo gần đây, Nấm còn có thêm lựa chọn cho khuê phòng số 2 của mình nữa. Từ ngày tôi mang tụi nó đi chích ngừa nhắc lại cho mũi dại và mũi 7 bệnh của mèo, chiếc giỏ mèo chưa kịp cất lại chỗ cũ lại trở thành nơi lui tới của Nấm. Thế là tôi để lại chiếc giỏ mèo đó cho Nấm ngủ mỗi đêm, nhìn nó có vẻ rất chill, như đang được đi cắm trại. Nhìn Nấm đôi lúc tôi nhớ lại mình hồi còn nhỏ, lúc mà tụi con nít giường to mền rộng không chịu ngủ, mà cùng nhau tự tạo một “căn phòng” giăng kín từ mền gối ghép lại, rồi chui vô nằm đầy thích thú. 

Nấm gần như ngủ theo giờ loài người, và thức cùng tôi vào buổi sáng. Từ ngày tôi làm việc ở nhà, chúng tôi lại càng thân thiết hơn. Buổi sáng, Nấm là cô trợ lý của tôi, cứ tới tám, chín giờ sáng, khi tôi còn chưa kịp vào bàn làm việc, Nấm đã lên ngồi đợi sẵn, rồi phát ra âm thành grừ grừ mỗi khi bên cạnh. Nấm cùng tôi học, cùng tôi làm gần như mỗi sáng trong suốt năm qua, cho đến tận 2 giờ chiều, khi cơn buồn ngủ kéo đến thì nó mới lên giường đánh một giấc tới chiều. Thỉnh thoảng, Nấm nghỉ phép buổi sáng, rồi mất tích biệt tăm đâu đó trong căn nhà. Hôm thì nó cử nhỏ Đậu đi làm thay nó, hôm thì chẳng thấy nói năng gì. Cô nhân viên kì lạ. 

Ngoài là cô nhân viên, trợ lý công việc – được trả công bằng những gói pate thơm lừng và những lần gãi cằm, chải lông đầy thích thú, Nấm ở những thời điểm khác trong ngày, cùng với Đậu, còn là bạn thân, là con gái, là gia đình của tôi nữa. 

Và những chiếc báo thức kêu meow meow 

Nếu những tiếng chuông báo thức kêu mãi không chịu dậy, thì yên tâm, khi trời sáng lên, trong nhà tôi còn cả tiếng meow meow báo thức đầy hiệu quả, đặc biệt là của nhỏ Đậu. Hiệu quả bởi vì khi nó thấy trời đã sáng nhưng loài người vẫn chưa chịu dậy, nó sẽ nhảy một cú thật nhanh lên giường và chào đón bằng tiếng meow meow đầu tiên bắt đầu ngày mới. Và nếu loài người vẫn nhất quyết không chịu nhúc nhích nữa thì nó sẽ đi qua đi lại, đạp lên bụng vài lần, cho tới khi chịu mở mắt ra. Phần lớn thì nó thành công. Một số ít lần tôi mệt quá không mở mắt nổi, nó cũng mệt quá nằm lăn ra bên cạnh ngủ chung luôn. Không chịu dậy thì thôi, chứ ai mà kêu mãi được. 

Cái Tết thứ 3 của gia đình Nấm Đậu 

Vậy là đã là cái Tết thứ 3 chúng tôi bên nhau – như một gia đình. Thật ra thì từ khi có Nấm Đậu, Tết đến tôi có nhiều cảm xúc trộn lẫn hơn. Bởi vì Tết là lúc mà tôi phải gửi Nấm Đậu đi nhà trẻ dài ngày để về quê đón Tết cùng gia đình, mà hai đứa nó thì lại nhát người, nên thường bị stress mỗi lúc đi nhà trẻ mèo. Nhưng mà biết sao giờ, coi như Nấm Đậu cũng cần học về bài học mạnh mẽ. 

Tôi biết ơn vì được gặp tụi nhỏ, bởi nhờ thế mà tôi học được về tình yêu thương không chỉ giữa người với người, mà còn là tình yêu thương giữa các loài với nhau, cùng sinh sống trên Trái Đất này. Tôi học được rằng có những giao tiếp mà không cần phải nói chung một ngôn ngữ, nhưng chúng tôi vẫn có thể nhìn thấy và thấu hiểu nhau, như cái cách mà chúng nó vẫn chạy ra đón tôi về nhà, kêu meo meo, dụi đầu vào chân, rồi lên giường nằm cạnh ngắm nhìn loài người ngủ sau những ngày xa cách, là những lần tôi ngồi nhìn tụi nó ngủ một cách an yên rồi nghĩ, chúng nó vẫn tin tưởng và yêu thương mình, bất kể mình trông rất khác chúng luôn nè. 

Tôi tin rằng dù là loài người, loài vật, hay loài gì chăng nữa, chúng ta đều là những linh hồn đang cùng nhau học hỏi, yêu thương, và nâng đỡ nhau trên hành trình này. 

Và thật tuyệt vời, khi có thể nhìn thấy nhau dù ở hình hài gì. Thật tuyệt vời khi có thể cảm nhận được và nói rằng: 

  • I see you. 
  • I see you. <Meow meow meow>